Kể từ ngày 12/02/2021: thuốc trừ sâu chứa hoạt chất Fipronil và Chlorpyrifos Ethyl không được phép sử dụng, buôn bán tại Việt Nam


Thứ Tư 24/02/2021 09:25
7898

Thanh long và lúa là hai cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận. Một số loại sâu hại phổ biến trên lúa như sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ trĩ…; trên thanh long như bọ trĩ, bọ xít, rầy mềm, bọ cánh cứng,… đặc biệt là kiến. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của bà con nông dân là tìm ra biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại an toàn và hiệu quả.

 Kiến phá hại hom giống, cành non, nụ hoa và trái thanh long làm mất giá trị thẩm mỹ và ảnh hưởng đến giá trị kinh tế. Một trong những loại thuốc bà con sử dụng phổ biến hiện nay là dùng Regent 800WP (hoạt chất Fipronil) để phun trực tiếp vào trái hoặc sử dụng dùng bẫy bã (1 – 2 gói Regent 800WP (1g) + mì tôm + tóp mỡ) đặt trên đầu trụ hay ở những nơi kiến thường trú ẩn. Để phòng, trừ kiến hiệu quả, phải có biện pháp quản lý vào 02 thời điểm quan trọng là đầu và cuối mùa mưa. 

Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, đối với hoạt chất Fipronil lượng ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được (ADI): 0,0002  (mg/ kg khối lượng/ ngày) và nồng độ dư lượng tối đa của thuốc bảo vệ thực vật (MRL) (đơn vị tính là mg/ kg trọng lượng sản phẩm) có mức quy định với một số loại như chuối: 0,005, các loại bắp cải: 0,02, ngô (bắp): 0,01,…

Hoạt chất Fipronil tác dụng chậm, thời gian cách ly dài (14 ngày) và theo thói quen nông dân thường 7 – 10 ngày phun định kỳ 01 lần nên thường xảy ra tình trạng dư lượng vượt mức tối đa cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

  Hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm lân hữu cơ, có phổ tác dụng rộng, hiệu lực trừ sâu nhanh bằng con đường tác động tiếp xúc, vị độc và xông hơi nên hiệu quả trong phòng trừ nhiều loại sâu hại thuộc nhóm miệng nhai, chích hút, nhện trên nhiều loại cây trồng như cây lúa, đậu tương, đậu phộng, điều.... Nhưng hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm độc II, tương đối độc với ong và cá, thời gian cách ly khá dài (7 – 14 ngày) do đó hoạt chất này chỉ được đăng ký trên lúa, cây công nghiệp (cà phê, ca cao, mía, tiêu,…) không được đăng ký sử dụng trên rau và cây ăn quả. Sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl liên tục dễ hình thành tính kháng, bộc phát dịch hại vì Chlorpyrifos Ethyl là hóa chất diệt côn trùng phổ rộng.

Ngày 12/02/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm 228 loại thuốc thương phẩm có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và 152 loại thuốc thương phẩm có Fipronil (trong đó có 10 loại thuốc thương phẩm có chứa cả hai hoạt chất này). Vì vậy, từ ngày 12/02/2021 không được sử dụng và buôn bán thuốc BVTV chứa 02 hoạt chất trên.

Hiện nay, bà con nông dân có thể sử dụng các loại thuốc thay thế để trừ kiến trên thanh long như Dantotsu 50WG (hoạt chất Clothianidin) được đăng ký trừ kiến trên thanh long (theo Danh mục théo BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2020; hoặc có thể một số loại hoạt chất khác đăng ký trên cây ăn quả như Thiamethoxam (Actara 25WG, Thiamax 25WG), Abamectin (Abagold 38EC,  Brightin 4.0EC), Azadirachtin (Neem Nim Xoan Xanh green 0.3EC)…

Đối với các loại sâu hại trên lúa, bà con thay thế bằng các hoạt chất khác như Abamectin, Acetamiprid, Emamectin, Imidacloprid… vì trong Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có 859 hoạt chất  và 1.431 tên thương phẩm thuốc trừ sâu (không chứa 02 hoạt chất Fipronil và Chlorpyrifos Ethyl). Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly được khuyến cáo trên bao bì.

Từ ngày 12/02/2021, việc buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa 02 hoạt chất Fipronil và Chlorpyrifos Ethyl sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, người sử dụng sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng (theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 26 của Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/5/2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật).

    ----- Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trang -----

-