Mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng - bước đi tiên phong trong việc phòng chống biến đội khí hậu tòan cầu


Thứ Ba 09/01/2024 07:51
55

Biến đối khí hậu làm gia tăng thiên tai hạn hán và dịch bệnh cho cây trồng là một thách thức lớn không chỉ riêng cho nền nông nghiệp Việt Nam mà của cả thế giới. Xu hướng phát triển thủy lợi của nhiều nước hiện nay là tăng cường các phương pháp, kỹ thuật tưới kết hợp các giải pháp canh tác tiên tiến để tăng hiệu quả sử dụng nước. Một trong những biện pháp quan trọng là việc lựa chọn và áp dụng phương pháp, kỹ thuật tưới thích hợp nhằm cung cấp nước trực tiếp đến cây trồng một cách hiệu quả nhất. Mục đích của tưới nước không chỉ là đưa đủ nước vào trong đất mà còn kết hợp quản lý dinh dưỡng và điều tiết quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Các kỹ thuật tưới trước đây thường không duy trì được độ ẩm theo yêu cầu (cao hoặc thấp so với độ ẩm thích hợp), gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đối với các vùng khí hậu khô hoặc bán khô hạn chỉ có sử dụng hiệu quả nguồn nước tưới mới có thể duy trì được sự phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn ngày càng gay gắt hơn làm cho nguồn nước trên các sông, suối, ao, hồ có xu hướng cạn kiệt nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp với các giải pháp canh tác tiên tiến cho các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt cho các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao và các vùng khan hiếm nước là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.


Bình Thuận là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước, lượng mưa bình quân hàng năm của tỉnh từ 1.000 - 1.400 mm, tập trung từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Đất đai Bình Thuận đa số đất nghèo dinh dưỡng, chiếm 78% tổng diện tích tự nhiên (đất cát 15%, đất xám bạc màu 17%, đất vàng miền núi 46%). Trong khi nguồn nước thủy lợi chỉ đáp ứng tưới cho khoảng 14% diện tích trồng trọt. Do đó, giải quyết nước tưới cho trồng trọt là vấn đề sống còn đối với phát triển nông nghiệp của tỉnh. Hiện tại, mặc dù tỉnh cũng có hệ thống ngòi nhưng do đặc điểm địa hình, khí hậu nên lượng nước trên các sông này không được đảm bảo trong suốt thời gian canh tác trong năm. Cùng với đó, nước dưới đất được khai thác bằng giếng đào, giếng khoan một cách ồ ạt. Hầu hết các giếng lúc mới đào thời kỳ đầu đủ nước tưới, nhưng sau đó mực nước tụt xuống phải đào thêm rất sâu, có nơi giếng khoan đào tới 120 m. Do mực nước ngầm giảm, tức trữ lượng nước ngầm tầng nông bị suy giảm nên nhiều trường hợp phải khoan ngang, khoan sâu đáy giếng, thậm chí đào nhiều vị trí vẫn không có nước tưới và trong những trường hợp như vậy người dân đã phải tìm mọi biện pháp khai thác nước dưới đất để tưới cho cây trồng. Vì vậy, tình trạng sử dụng nước tưới cho cây trồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.


Trong những năm qua, các mô hình và dự án tưới tiết kiệm nước khác nhau cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được xây dựng trong tỉnh. Các giải pháp tưới tiết kiệm nước được áp dụng trên diện tích khá lớn ở các loại cây trồng chính như thanh long, lúa và các loại cây ăn quả. Các công nghệ tưới chính được áp dụng là tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa bằng thiết bị tưới nhập từ Israel và Đài Loan, có thể giúp giảm lượng nước tưới tới 30 - 40%, so với các kỹ thuật tưới truyền thống, mà còn tăng năng suất cây trồng. Các hệ thống tưới nhỏ giọt cũng được nông dân sử dụng để kết hợp với việc bón phân, giúp nâng cao hiệu quả phân bón bằng cách bón phân đúng lúc và đúng nơi; phân bón được hòa tan trong nước và được cây hấp thụ hoàn toàn, do đó cho phép tiết kiệm phân bón và giảm yêu cầu lao động cho việc bón phân. Từ những kinh nghiệm này cho thấy rằng tưới nước quá nhiều không làm tăng năng suất cây trồng mà lại làm tăng nhu cầu về nước, tăng rủi ro bệnh tật, tăng chi phí lao động và nhiên liệu cho việc tưới. Nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, nhiều mô hình tưới tiết kiệm và tưới thông minh đã được triển khai. Tuy nhiên, chi phí cho các mô hình này vẫn là một bài toán học búa cho nông dân nghèo, sống ở vùng sâu vùng xa.


Để hỗ trợ nông dân, những người dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhất là phụ nữ và người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa trong việc quản lý các rủi ro khí hậu ngày càng tăng, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho tỉnh xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm nước áp dụng cho các loại cây trồng. Các mô hình hỗ trợ gồm Canh tác cây thanh long theo hướng GAP/hữu cơ chống chịu với biến đổi khí hậu, Canh tác cây điều xen bắp, sắn chống chịu với biến đổi khí hậu tại huyện Hàm Thuận Nam; Canh tác cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ chống chịu với biến đổi khí hậu, Canh tác cây bưởi da xanh xen canh với cỏ, bắp theo hướng hữu cơ chống chịu với biến đổi khí hậu  tại huyện Đức Linh. Các mô hình canh tác trên đều  áp dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Sự hỗ trợ quý báu này là những điểm sáng giúp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, giúp chống chịu với biến đổi khí hậu của các nông hộ nhỏ dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến động thất thường về lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Qua đó tăng cường năng lực của các nông hộ nhỏ trong việc áp dụng thông tin về khí hậu và thị trường, công nghệ và thực hành quản lý nông nghiệp và nguồn nước để chống chịu với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những bước đi đầu tiên của tỉnh trong công cuộc phòng chống và khắc phục thiên tai, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành sức mạnh của ngành trồng trọt tỉnh nhà trong điều kiện mới./.

Th.s Nguyễn Duy Văn