Phương pháp huấn luyện đào tạo thực hành ngoài đồng ruộng (ffs)-hướng tiếp cận mới trong khuyến nông hiện đại


Thứ Hai 15/01/2024 07:49
74

Trong sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông có một vai trò quan trọng trong việc chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, góp phần nông nghiệp phát triển, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân...Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến nông đã được thực hiện thành công tại các địa phương trong tỉnh, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng lợi thế của từng địa phương. Các mô hình này đã mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhiều hộ gia đình từ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của người dân nông thôn được nâng cao. Cùng với đó, nó giúp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đạt được những thành tựu này là kết quả của quá trình truyền đạt, giảng dạy, “cầm tay chỉ việc” các kiến thức khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ khuyến nông đến với nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điểm khó nhất là việc nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Muốn vậy, từng học viên sau khi được đào tạo từ mô hình phải trở thành những người “thầy” cho đội ngũ nông dân còn lại tại từng địa phương. Cứ như thế, mặt bằng về trình độ sản xuất của người dân mới được nâng cao một cách đồng loạt và bền vững. Đó là nền tảng để hướng đến nền sản xuất đại trà, có trình độ kỹ thuật cao. Nhưng, với cách đào tạo khuyến nông một chiều hiện nay, người nông dân chưa phát huy hết năng lực sáng tạo cá nhân, chưa mạnh dạn và chủ động trong thực hành, chưa cởi bỏ tâm lý rụt rè, ngại đám đông để tìm hiểu và phát biểu chính kiến. Qua đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Đến lớp học, nông dân chủ yếu nghe giảng dạy từ cán bộ khuyến nông và nhận tài liệu kỹ thuật. Vì thế, nhiều thắc mắc, những điều chưa sáng tỏ của nông dân chưa được giải quyết thỏa đáng. Do đó, sau khi được tập huấn, nông dân vẫn chưa tự tin để truyền thụ kiến thức của mình cho người khác.

Khắc phục hạn chế này, phương pháp huấn luyện đào tạo thực hành ngoài đồng ruộng FFS (Famer Field School) là một hướng tiếp cận mới trong khuyến nông. Thay vì tập trung vào việc truyền đạt kiến thức từ người giảng dạy đến học viên, phương pháp này chuyển trọng tâm đến sự tương tác, tự quản lý học tập và khám phá cá nhân của học viên. Người học được khuyến khích xây dựng kiến thức bằng cách tham gia vào các hoạt động, thảo luận, nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về chủ đề học. Mỗi học viên đều sở hữu nền tảng kiến thức hay những cách học riêng biệt. Phương pháp dạy lấy người học làm trung tâm cho phép giảng viên tùy chỉnh quá trình đào tạo, tập trung vào đề cao ý kiến, nhu cầu cụ thể của các học viên. Thay vì áp dụng một phương pháp giảng dạy chuẩn, giảng viên có thể tương tác sâu hơn với học viên, hiểu rõ hơn về phong cách học tập của họ, cung cấp tài liệu và hoạt động học tập phù hợp. Kết quả là mỗi học viên được khuyến khích phát triển tối đa khả năng cá nhân và đạt được hiệu suất học tập tốt nhất. Khi học viên được đặt ở vị trí trung tâm, họ phải chịu trách nhiệm chủ động trong việc học tập. Điều này giúp họ phát triển khả năng tự quản, xây dựng được tính kỷ luật và tư duy có hệ thống cũng như học được cách lập kế hoạch, ưu tiên công việc và thực hiện các bước cụ thể để đạt được mục tiêu học tập. Phương pháp này cũng khuyến khích học viên thể hiện tư duy sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Thay vì chỉ đơn thuần tiếp thu kiến thức, họ được khuyến khích tư duy đa chiều, liên kết các ý tưởng khác nhau và tạo ra giải pháp mới mẻ. Quá trình học tập trở nên hứng thú và thách thức hơn khi họ được khám phá, thử nghiệm và phát triển các ý tưởng riêng biệt. 

Quá trình học tập không chỉ là việc học viên tiếp thu kiến thức một cách thụ động, mà còn là cơ hội để họ tham gia tích cực, tương tác và tạo ra các kết nối với nội dung bài học. Khi có khả năng đóng góp, chia sẻ ý kiến và thậm chí tham gia vào việc xây dựng nội dung đào tạo, người học sẽ cảm thấy bản thân cũng là một phần quan trọng trong quá trình học tập. Sự tương tác và tham gia tích cực này tạo ra trải nghiệm tích cực, giúp học viên cảm thấy hứng thú và đam mê trong việc khám phá kiến thức mới. Họ không chỉ nhớ kiến thức một cách trừu tượng, mà còn liên kết nó với các tình huống thực tế và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Điều này tạo ra một môi trường học tập tương tác và hứng thú, thúc đẩy việc tìm kiếm kiến thức và tiếp tục học hỏi. Nếu như trước đây tập huấn đào tạo cho nông dân theo phương pháp truyền thống, lý thuyết kết hợp với tham quan đồng ruộng thì phương pháp FFS có nội dung học tập được chia thành nhiều buổi phù hợp với thời điểm sinh trưởng phát triển của cây trồng. Người nông dân được học và thực hành ngay trên mô hình trình diễn gọi là mô hình trình diễn phương pháp, cuối vụ thu hoạch người tham gia được nhìn thấy kết quả của mô hình trình diễn. Điều này không những tạo được lòng tin mà còn giúp bà con nông dân nắm được phương pháp cách làm. Đặc trưng của FFS là: học hỏi, không phải đào tạo/tập huấn; Quan sát - phản ánh - trao đổi; Học tập theo nhóm; Hiện trường là lớp học; Nông dân trở thành chuyên gia về những chủ đề học tập. Một điểm mới của phương pháp tập huấn FFS là có nhiều trò chơi thú vị, hấp dẫn, phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của bà con nông dân được được lồng ghép tài tình, khéo léo. Không khí lớp học thân thiện, gần gũi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học viên. Điều quan trọng là sau các lớp FFS, nhiều nông dân sẽ trở thành "chuyên gia" trên chính cánh đồng của mình thông qua các lớp đào tạo nông dân nòng cốt. Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều nông dân khác thực hiện để đạt được những kết quả tích cực trong tương lai./.

Th.s Nguyễn Duy Văn