Quản lý hiệu quả cỏ dại trên vườn thanh long


Thứ Tư 08/09/2021 09:04
3584

Cỏ dại là các cây mọc không theo ý muốn trên các diện tích mà con người tác động lên và gây tác hại đến những mục tiêu của con người. Phân loại theo hình thái, cỏ dại gồm ba nhóm chính là nhóm lá rộng (rau trai, cây cứt lợn, rau sam,…), nhóm chác lác (cỏ chác, cỏ năng,…) và nhóm hòa bản (cỏ cú, cỏ gấu, lồng vực, cỏ trinh nữ)…. Các con đường lan của cỏ dại thông qua hạt giống, qua phân bón, qua nước tưới, gió, động vật và con người.

Tác hại của cỏ dại làm giảm năng suất và phẩm chất của cây trồng, là cây ký chủ của sâu bệnh, tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hệ thống tưới và giao thông,…

Bên cạnh những tác hại thì cỏ dại cũng có những ưu điểm như giữ cho đất không bị xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng; là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm; là môi trường tốt cho các loài thiên địch sinh sống và phát triển; sử dụng làm thuốc trong y tế,…   

Thanh long là cây trồng dài ngày và thâm canh cao nên phát sinh nhiều sâu bệnh; trong đó, cỏ dại xuất hiện quanh năm. Một số loài cỏ phổ biến như rau trai, trinh nữ, cỏ lồng vực cạn, cỏ gấu, cỏ chác, cỏ năng… thuộc ba nhóm cỏ lá rộng, năm lác và hòa bản. Vì vậy, việc quản lý cỏ dại trên thanh long phải thường xuyên và kết hợp các biện pháp khác nhau để mang lại hiệu quả cao và hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường, con người. 

Các biện pháp quản lý cỏ dại trên vườn thanh long là:

- Biện pháp cơ học: sử dụng máy cắt cỏ, dùng liềm nhổ cỏ trong gốc thanh long. Tuy biện pháp này tốn nhiều công sức và kinh tế nhưng không gây ảnh hưởng đến cây trồng, con người và môi trường sống.

Biện pháp này hiệu quả đối với các cây cỏ một năm hoặc hai năm, vì các đoạn rễ bị đứt của chúng trong đất không thể phục hồi để tái sinh. Trong trường hợp cỏ lưu niên, phương pháp làm cỏ bằng tay chỉ làm cho rễ cỏ đứt ra và hình thành nhiều chồi mầm khác trong đất và chúng có thể tái sinh mọc lên cây mới. Trong trường hợp này thì phương pháp thực hiện làm cỏ bằng tay phải được lặp lại thường xuyên.Cỏ sau khi cắt xong có thể cho gia súc ăn hoặc dùng để ủ phân hữu cơ.

Cần lưu ý nên vệ sinh vườn sạch sẽ vào trước mỗi lứa trái và không phát cỏ trong vườn vào giai đoạn búp thanh long từ trái cau trở đi vì sẽ cắt nguồn thức ăn của bọ trĩ và chúng di chuyển lên trái gây hại.

- Biện pháp vật lý: dùng màng phủ nông nghiệp sẽ tiêu diệt được cỏ dại vì cắt nguồn ánh sáng làm ngăn cản quá trình quang hợp và rất hiệu quả đối với các loại cỏ hàng niên và một vài loại đa niên như cỏ gà, nhóm cây bo bo, ...

Anh Phú – Quản lý trang trại của Công ty Sinh thái Hồng Hà (Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) chia sẽ trồng thanh long theo giàn có nhiều ưu điểm hơn kiểu trồng trụ truyền thống, nhất là cơ giới hóa trong quá trình chăm sóc nên ít tốn công lao động. Trong đó, sử dụng bạc phủ gốc thanh long nhằm quản lý cỏ dại rất hiệu quả. Tuy chi phí đầu tư ban đầu của bạc phủ gốc khá cao khoảng 50 – 55 triệu/ha, nhưng không tốn công lao động cho việc nhỏ cỏ gốc. Công ty đã sử dụng bạc phủ này đã được 2 – 3 năm nhưng  hiện còn khá tốt. 

- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc diệt cỏ là biện pháp ít tốn công lao động, sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và đạt kết quả nhanh, diệt được cỏ đa niên kéo dài do lưu dẫn thuốc đến tận rễ và diệt gốc…. Nhưng bên cạnh đó có những nhược điểm là có thể gây thiệt hại cho cây trồng nếu sử dụng không đúng cách, có thể tạo ra tính kháng thuốc của cỏ dại và ảnh hưởng sức khỏe đến con người và vật nuôi…                                 

Trong những năm trước, bà con thường dùng thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate để quản lý cỏ dại trong vườn thanh long vì hiệu quả nhanh và giá rẻ. Nhưng từ ngày 30/6/2021, thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate không được phép sử dụng và buôn bán tại Việt Nam nên bà con khá lúng túng trong việc này. Hiện nay, có thuốc Becano 500SC được đăng ký trừ cỏ trên thanh long. Ngoài ra, bà con thường sử dụng một số thuốc có hoạt chất Glufosinate ammonium như Basta 15SL, Fasfix 150SL, Glufast 200SL, Tarang 280SL,…

Hoạt chất Glufosinate ammonium có cơ chế tác dụng nội hấp (lưu dẫn), có thể xâm nhập vào lá và vỏ thân cây còn xanh. Không xâm nhập vào các mô đã hóa gỗ, chỗ thân cây đã biến vàng. Tác động không chọn lọc, diệt trừ nhiều loại cỏ hòa bản, năn lác và lá rộng, cỏ hằng niên và đa niên, kể cả những loài cỏ có rễ ăn sâu dưới đất như cỏ tranh, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ gấu… Phun thuốc khi cỏ đang sinh trưởng mạnh, trước khi ra hoa vì hoạt chất này có tác dụng diệt cỏ ở giai đoạn tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm. Không nên phun trên đất có nước. Theo một số kinh nghiệm của người dân, phun thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glufosinate ammonium nếu sau 2 – 3 ngày gặp trời mưa sẽ không mang lại hiệu quả cao. Không nên phun thuốc trừ cỏ vào vào giai đoạn cây thanh long đang mang trái và tránh để thuốc bay vào rễ, cành. Hiện nay, một số bà con nhầm lẫn thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glufosinate ammonium là thuốc sinh học nhưng đây là thuốc hóa học thuộc nhóm độc II. Ít độc với cá, không độc với ong.

Ngoài ra, không nên sử dụng phun thuốc trừ cỏ quá nhiều vì khi cỏ chết, ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đất tiêu diệt các vi sinh vật có lợi. 

- Biện pháp sinh học: Hiện nay, trồng hoa mười giờ trong vườn thanh long nhằm hạn chế cỏ dại và làm đẹp cảnh quan trong vườn đang được phổ biến. Ngoài ra, việc trồng hoa mười giờ giúp thu hút và tạo môi trường cho các sinh vật có ích phát triển như các loại ong ký sinh, bọ rùa, …

----- Nguyễn Thị Tú Trang -----