Tiếp tục thực hiện kết luận số 61-kl/tw của Trung ương đảng trong công tác hỗ trợ, phối hợp hội Nông dân


Thứ Hai 05/12/2022 08:18
525

Nhằm hỗ trợ Hội nông dân các cấp hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Ban Bí thư Trung ương đảng đề ra tại Kết luận số 61-KL/TW về nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020;

Năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận đã tổ chức triển khai các mô hình Cộng đồng quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long; quản lý sâu keo mùa Thu trên cây bắp, 04 mô hình Quản lý chuột hại lúa bằng biện pháp bẫy cây trồng; tổ chức 04 lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây mì, bắp  cho hơn 300 lượt nông dân. Phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện đề tài “Phối hợp biện pháp triệt sản côn trùng với các biện pháp khác để quản lý tổng hợp ruồi hại quả Bactrocera cho vùng sản xuất quả thanh long” và “Nghiên cứu biện pháp phòng chống rệp sáp giả (Pseudococcidae) gây hại một số loại cây ăn quả quan trọng theo hướng sinh học”. Thực hiện mô hình “Thâm canh cây lúa theo phương pháp SRI” qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích (giống giảm từ 60-80 kg/ha, khoảng 1 triệu đồng; tiết kiệm nước tưới khoảng 2.500 m3/ha/vụ, giảm chi phí sản xuất  từ 2-2,5 triệu đồng/ha; năng suất lúa tăng từ 1,7 – 2,3 tạ/ha, lợi nhuận tăng từ 1- 3,4 triệu/ha). Các ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất lúa để tăng hiệu quả và tính bền vững: mô hình chuyển đổi cơ cấu Giống - Mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững đạt năng suất cao. Qua đó, tiết kiệm nguồn nước, thay đổi dần tập quán sản xuất, cải thiện đất canh tác và môi trường sinh thái nông nghiệp, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, lợi nhuận tăng hơn so với sản xuất 3 vụ lúa từ 2-3 triệu đồng/ha. Triển khai Hội nghị tập huấn về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra trực tuyến các vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo yêu cầu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Để giúp nông dân hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát triển theo hướng hữu cơ bền vững, Chi Cục luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định. Thực hiện các mô hình quản lý sâu bệnh hại cây trồng theo hướng tổng hợp (IPM) nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường nông nghiệp. Tổ chức 10 lớp tập huấn định kỳ hàng năm cho các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh tại 09 huyện, thị xã và thành phố. Các lớp tập huấn đã giúp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng cập nhật các văn bản pháp luật mới và diễn biễn sâu bệnh trên cây trồng; qua đó chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật và phần bón trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nông dân dân đã chủ động phòng trừ sâu keo mùa Thu trên lúa, diện tích nhiễm bệnh trong năm 2022 giảm 30 ha so với cùng kỳ; diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus trên mì giảm 2.309 ha so với cùng kỳ. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục đã xây dựng 60 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương và thu gom, tiêu hủy 1.880 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các bể chứa để giúp thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định. Nhìn chung, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, thời gian qua Ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai có hiệu quả công tác chuyên môn, góp phần cùng Hội nông dân thực hiện thành công các chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đời sống sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuy nhiên, cũng còn một số mặt hạn chế, đó là Hội nông dân chưa phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp để Trung ương tháo gỡ, giải quyết. Từ đó, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển sản xuất trồng trọt của nhân dân. Để tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, nhất là việc hỗ trợ, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị đối với công tác xây dựng giai cấp nông dân, thời gian đến Hội nông dân các cấp cần tăng cường vai trò trách nhiệm giám sát, kiểm tra, phản ánh việc áp dụng chính sách của Nhà nước vào phát triển trồng trọt trong thực tế sản xuất. Kịp thời phản ánh các vướng mắc do sự chồng chéo các quy định pháp luật để Trung ương tháo gỡ, làm ảnh hưởng đến thực tế phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là sự chồng chéo giữa Nghị định số 35 và Nghị định 62 của Chính phủ về quản lý phát triển đất trồng lúa với Luật Khoáng sản và Nghị định số 158 của Chính phủ về quản lý khoáng sản. Các quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 về khuyến khích bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp; Điều 4, Điều 71 và Điều 73, Luật Trồng trọt về hỗ trợ cho các hoạt động liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, canh tác hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn....để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp cũng chưa được áp dụng thực hiện tại tỉnh. Nguyên nhân là trong quá trình cải tạo đất, ruộng hoặc xin đào ao tích nước tưới cho cây trồng sẽ phát sinh ra phần đất dư thừa cần phải chuyển đi nơi khác, để trống chỗ cho việc trồng trọt trên mảnh đất vừa cải tạo xong. Nhưng, theo quan điểm của Ngành Tài nguyên và Môi trường thì đây là khoáng sản và phải áp dụng Luật Khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Khoáng sản. Việc này, tỉnh vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp. Do đó, đến nay công tác cải tạo đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chưa thực hiện được. Ngoài ra, nhiều trường hợp người dân canh tác trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng có nhu cầu cải tạo để tăng hiệu quả sử dụng đất nhưng vẫn không được giải quyết. Nếu được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Hội nông dân, thời gian đến hy vọng các khó khăn, vướng mắc của nông dân sẽ được tháo gỡ, tạo tiền đề cho ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển mạnh mẽ, thuận lợi./.     

Th.s Nguyễn Duy Văn