Giải pháp cải tạo đất nông nghiệp bị suy thoái, nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả trồng trọt


Thứ Sáu 28/04/2023 10:03
453

Sự nghèo kiệt dinh dưỡng trong đất là hậu quả của việc sử dụng đất không hợp lý. Nghiêm trọng hơn là lấy mất đi tầng canh tác gồm tầng đất mặt hoặc tầng bên dưới tầng mặt. Đất bị mất tầng đất mặt sẽ có những bất lợi về mặt lý, hóa học, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sống của hệ vi sinh vật đất, làm giảm khả năng sản xuất của đất, năng suất cây trồng sụt giảm. Các nghiên cứu cho thấy đất mất đi 20 cm tầng mặt đưa đến năng suất bắp giảm 44%. Do đó, tầng đất mặt nói chung và tầng đất mặt của đất lúa được xem là tài sản quý báu đối với sản xuất trồng trọt. Chính vì vậy, quản lý, sử dụng, bảo vệ tầng đất mặt được luật hóa trong các văn bản luật và dưới luật. Tại điều 57 Luật Trồng trọt quy định: Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng tầng đất mặt. Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định: Tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20-25cm tính từ mặt đất.

Nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương về quản lý, bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt đất chuyên trồng lúa nước khi chuyển mục đích sang phi nông nghiệp để xây dựng công trình, dự án, ngày 28/02/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Công văn số 578/UBND-KT; theo đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang mục đích phi nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khai hoang phục hóa cải tại đất trồng lúa, đất trồng trọt khác kém hiệu quả; tăng độ dày tầng canh tác; cải tạo đất nông nghiệp bạc màu, nghèo dinh dưỡng, địa hình không thuận lợi cho trồng trọt, đào ao tích nước tưới cây trồng trong mùa khô hạn theo đúng quy định của Luật Trồng trọt, Luật Đất đai và các quy định có liên quan. Triển khai thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh giao, ngày 28/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn hướng dẫn số 853/SNN-TTBVTV. Sau đây là nội dung triển khai của Sở Nông nghiệp và PTNT đến UBND các các huyện, thị xã, thành phố:

a) Đối với đất trồng lúa

- Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

- Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình UBND tỉnh tỉnh quyết định để làm cơ sở thực hiện.

- Xây dựng kế hoạch khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại để làm cơ sở hỗ trợ theo mức chi quy định tại Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ trì), Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét hướng dẫn thực hiện.

- Công khai kế hoạch khai hoang, phục hóa đất đai cho mục đích sản xuất lúa nước tại trụ sở các cơ quan chức năng và trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương. Tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân tự đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào việc bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất lúa tại địa phương, nhất là trong điều kiện kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho sản xuất lúa có hạn.

b) Đối với đất trồng trọt khác kém hiệu quả

Theo Quyết định số 1155/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả phân loại độ phì đất nông nghiệp địa bàn tỉnh Bình Thuận, đất trồng trọt kém hiệu quả (có độ phì thấp đến rất thấp) khi có từ một yếu tố giới hạn trở lên, gồm: (1) Độ dày tầng đất mặt từ 70 cm trở xuống; (2) Đất thuộc nhóm Đất cát; Đất mặn, Đất phèn; Đất lầy; Đất xám và bạc màu; Đất đỏ vàng trên đá phiến sét, đá macma acid, đá cát;  (3) Địa hình có độ dốc từ 80 trở lên; (4) Không được tưới chủ động. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hiện trạng, chất lượng thổ nhưỡng  đất Nông nghiệp và hiệu quả sản xuất trồng trọt của địa phương, tiến hành xây dựng Kế hoạch cải tại đất trồng trọt khác kém hiệu quả, gồm các nội dung:

- Tăng độ dày tầng canh tác đối với các loại đất nông nghiệp có tầng canh tác mỏng ( độ dày tầng đất mặt từ 70 cm trở xuống).

- Cải tạo nâng cao chất lượng dinh dưỡng đất nông nghiệp bạc màu, nghèo dinh dưỡng (gồm đất nông nghiệp thuộc các nhóm: Đất cát; Đất mặn, Đất phèn; Đất lầy; Đất xám và bạc màu; Đất đỏ vàng trên đá phiến sét, đá macma acid, đá cát).

- Cải tạo địa hình không thuận lợi cho trồng trọt (địa hình có độ dốc từ 80 trở lên).

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đào ao tích nước tưới cây trồng trong mùa khô hạn, nhất là tại các khu vực không có hệ thống thủy lợi (đất nông nghiệp không có hệ thống tưới chủ động, chỉ tưới nhờ nước mưa).

- Công khai Kế hoạch cải tạo đất trồng trọt kém hiệu quả cho mục đích sản xuất nông nghiệp tại trụ sở các cơ quan chức năng và trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương. Tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào việc bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng trọt tại địa phương để toàn dân biết thực hiện.

Trên cơ sở Kế hoạch cải tạo đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương giải quyết cho các trường hợp cụ thể khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp  và PTNT tài nguyên tầng đất mặt của đất chuyện trồng lúa nước của tỉnh sẽ được quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, công cuộc cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi như bạc màu, nghèo dinh dưỡng, thoái hóa, khô hạn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ có những thuận lợi hơn. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác tốt quỹ đất đai để tạo ra giá trị của cải vật chất, giúp xóa đói giảm nghèo và hướng đến phát triển bền vững./.    

Cv 578 UBND tinh thuc hien su dung tang dat mat.pdf

Cv 853 So NN huong dan thuc hien cai tao dat lua.pdf

Th.s Nguyễn Duy Văn