Phân gà hữu cơ – Những lưu ý khi sử dụng.


Thứ Tư 18/08/2021 07:31
3710

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia cầm là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm từ thịt và trứng. Phân gà là chất thải được tạo ra với số lượng lớn nhất trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, còn có chất độn chuồng là hỗn hợp của phân gà, lông, vật liệu lót chuồng và thức ăn rơi vãi, thuốc và nước. Chất thải này có khả năng quan trọng đối với việc bón đất như một loại phân hữu cơ vì hàm lượng dinh dưỡng tương đối cao, đặc biệt là nitơ và phot pho cao hơn các loại phân hữu cơ khác như phân bò, phân heo. Ngoài ra, chất độn chuồng còn có một số nguyên tố như đồng (Cu), sắt (Fe), kẽm (Zn),… cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Việc sử dụng vật liệu này để bón lót đất như một loại phân hữu cơ là biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi gà rẻ và phù hợp với môi trường nhất trong thời điểm hiện nay.

Thanh long là một trong những cây trồng được thâm canh cao, vì vậy nhu cầu sử dụng phân bón đặc biệt phân bón hữu cơ với số lượng lớn. Hiện nay, bà con khá ưa chuộng phân gà hữu cơ đặc biệt được nhập khẩu từ Nhật Bản dùng bón cho cây thanh long vì giá thành rẻ hơn các loại phân hữu cơ khác trên thị trường.  

Tại sao những năm gần đây, có nhiều loại phân gà hữu cơ Nhật Bản?

Ngày 29/7/2021, tại Hội thảo trực tuyến Phân hữu cơ Kuki – Một giải pháp nông nghiệp bền vững, ông Kiyotaka Kasai – Tổng giám đốc Công ty phân bón Kuki đã chia sẽ Nhật Bản là nước xuất khẩu lượng lớn phân gà qua các nước châu Á vì phân gà không được sử dụng tại đây.

  

  Những lưu ý gì khi sử dụng phân gà hữu cơ?

Tại buổi Hội thảo, ông Kiyotaka Kasai cũng chia sẽ trong phân gà chứa nhiều Canxi, nếu bón lượng lớn, cây trồng không hấp thu hết sẽ làm cho đất trở nên kiềm hóa và cây trồng không hấp thu được Mangan, Sắt và Boron.

Ngoài phân gà được lấy trong quá trình chăn nuôi còn có chất độn chuồng là nơi chứa nhiều mối nguy bao gồm vi khuẩn, nấm, virus và động vật ký sinh, giun sán; thuốc kháng sinh, kim loại nặng và các chất tăng trưởng…

Các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, nấm, virus và các động vật ký sinh có khả năng gây bệnh cho các sinh vật chủ nhạy cảm, bao gồm con người, động vật hoặc thực vật. Tuy nhiên, các thông tin an toàn chất thải chăn nuôi gà vẫn còn hạn chế.

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh cho gà nên sẽ tồn tại trong phân gà. Thông thường, thuốc kháng sinh này sẽ phân hủy theo thời gian sau khi bón vào đất nhưng có một số loại khó phân hủy nên vẫn còn tồn tại. Vì vậy, cây trồng như rau, bắp cải, ngô (bắp) sẽ hấp thu các chất kháng sinh này gây ảnh hưởng sức khỏe đến người tiêu dùng.

Kim loại nặng bao gồm Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg) sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến động vật, thực vật và môi trường. Vệc sử dụng phân gà nhiễm kim loại nặng bón cho đất với số lượng lớn hoặc lặp lại nhiều lần có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Chất tăng trưởng được bổ sung trong quá trình chăn nuôi nếu chưa được phân hủy hết sẽ theo dòng nước tưới, nước mưa chảy xuống các ao, hồ gây ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật sống dưới nước. Các chất này làm giảm khả năng sinh sản, tỷ lệ trứng nở, khả năng tăng trưởng của cá dẫn đến sản lượng cá giảm.

Sử dụng phân gà hữu cơ như thế nào để an toàn và hiệu quả?

Sử dụng phân gà hữu cơ ở các vùng đất cát mới khai hoang vì chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và tác dụng nhanh.

Nên ủ phân gà hoai mục trước khi sử dụng, thời gian ủ phụ thuộc vào cách ủ khác nhau từ 2 – 6 tháng và nhiệt độ tích tụ cần đạt 60 - 700C. Khi ủ kết hợp với các chế phẩm vi sinh như Trichoderma, chế phẩm EM… giúp khử mùi hôi của phân gà, phân giải nhanh các chất hữu cơ, chất độn, ức chế và tiêu diệt các mầm bệnh truyền qua đất gây hại cây trồng như tuyến trùng, tập đoàn nấm trong đất (Pythium, Phytophthora, Fusarium, Rhizoctonia,…), héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanacearum),…

Đối với các loại phân gà thương mại trên thị trường nên chọn các loại  nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được đăng ký và có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam của Cục Bảo vệ thực vật. Đối với các loại phân nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài phải có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo.

Khi sử dụng phân bón tuân theo nguyên tắc 5 đúng (đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời tiết, mùa vụ, đúng cách) và bón phân cân đối. Vì vậy, không nên sử dụng phân gà với lượng lớn và trong thời gian dài.

 

 ----- Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trang -----