Sử dụng phân bón hữu cơ-mắc xích quan trọng trong nền nông nghiệp hữu cơ


Thứ Tư 10/01/2024 07:52
2843

Trong 3 thập kỷ gần đây, nông nghiệp nước ta nói chung và nông nghiệp Bình Thuận nói riêng có bước nhảy vọt to lớn, tạo ra lượng sản phẩm không chỉ đáp ứng dư dả nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước mà còn dành phần lớn cho xuất khẩu, đem lại ngoại tệ cho đất nước. Thành quả này là nhờ vào quá trình kiên trì thực hiện cuộc cách mạnh về nông nghiệp sâu rộng của quốc gia về áp dụng những thành tựu mới, tiến bộ vào sản xuất. Đầu tiên phải kế đến là việc sử dụng phân bón tác động đến năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng, trong đó đáng kể nhất là vai trò của phân bón hóa học. Tuy nhiên đến nay, hầu hết nông dân sử dụng phân bón chưa hợp lý, mất cân đối và thường lạm dụng phân bón phân hóa học với liều lượng cao hơn nhiều so với khuyến cáo, nhất là khi giá nông sản tăng cao nhằm đạt năng suất và thu nhập tối đa. Theo thống kê, lượng phân bón vô cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chiếm 75%. Về liều lượng, hiện Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia, và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Tình trạng bón phân mất cân đối, không đảm bảo nguyên tắc  “5 đúng” là  nguyên nhân chính dẫn tới hiệu suất sử dụng phân bón còn thấp và chỉ đạt 40 - 45% đối với phân đạm, 25 - 30% đối với phân lân và 55 - 60% đối với phân kali. Điều này không chỉ gây thất thoát về kinh tế mà còn làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm), tăng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Các nghiên cứu đều cho rằng, để sản xuất bền vững cần bón cân đối dinh dưỡng từ cả nguồn hữu cơ và vô cơ. Hai nguồn phân bón này đồng thời còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả của nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 25% nhu cầu phân hữu cơ.

Trong kỷ nguyên của nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn sức nhân loại, đòi hỏi phải chuyển đổi nhận thức về phương thức sử dụng phân bón đối với cây trồng. Cần phải cân đối và kết hợp hài hòa giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, trong đó coi trọng dùng phân bón hữu cơ. Sử dụng phân bón hữu cơ có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao. Cần nhận thức đây là công việc của toàn xã hội, trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, doanh nghiệp là hạt nhân chủ chốt và người nông dân là trọng tâm. Bên cạnh đó phải coi sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là giải pháp lâu dài dựa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có trong nước để thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Bình Thuận là tỉnh có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là hàng triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản động thực vật và thủy sản. Việc tổ chức  khai thác tốt những nguồn nguyên liệu này có thể tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng. Trong điều kiện tỉnh Bình Thuận có nhiều yếu tố bất lợi cho trồng trọt do đa số đất nghèo dinh dưỡng, chiếm 78% tổng diện tích tự nhiên. Vì vậy, sử dụng phân bón cân đối, đúng cách sẽ là yếu tố sống còn trong nông nghiệp trong tương lai, nó góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, phục hồi và ổn định độ phì nhiêu của đất. Chính điều này, ngày 26/4/2023 tỉnh đã ban hành Quyết định số 802 về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021- 2030. Quan điểm phát triển theo từng bước, tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ và từng bước tăng dần tỷ lệ diện tích, sản phẩm hữu cơ hiện có. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung để thu hút, kêu gọi đầu tư. Phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiên với môi trường. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên trên 15% tổng lượng phân bón được sử dụng trên địa bàn tỉnh. Đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90 - 95%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng trên tổng sản lượng đạt khoảng 75 - 80%. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Về các cây trồng chính: lúa hữu cơ đạt diện tích canh tác khoảng 1.950 ha đến năm 2025 và 3.000 ha đến năm 2030, tập trung tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Rau đậu hữu cơ diện tích canh tác khoảng 180 ha đến năm 2025 và khoảng 350 ha đến năm 2030 ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân và thị xã La Gi. Thanh long hữu cơ diện tích khoảng 600 ha đến năm 2050 và khoảng 1.250 ha đến năm 2030, tập trung phát triển ở các vùng Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân. Xoài hữu cơ diện tích khoảng 60 ha đến năm 2025 và khoảng 250 ha đến năm 2030 ở các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Ðức Linh. Sầu riêng hữu cơ diện tích khoảng 100 ha đến năm, 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030, tập trung ở các huyện Ðức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc. Mít hữu cơ diện tích khoảng 50 ha đến năm 2025 và khoảng 250 ha đến năm 2030 ở các huyện Hàm Tân, Ðức Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Cây có múi hữu cơ diện tích khoảng 50 ha đến năm 2025 và khoảng 150 ha đến năm 2030 ở các huyên Hàm Tân, Ðức Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Nhãn hữu cơ diện tích khoảng 70 ha đến năm 2025 và khoảng 350 ha đến năm 2030 ở các huyện Hàm tân, Đức Linh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu về sử dụng phân bón hữu cơ và sản xuất nông nghiệp hữu cơ này, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng cao, phân bón hữu cơ chứa các loại vi sinh vật có ích mới, tác động nhanh, gọn nhẹ, ổn định độ phì đất, dễ sử dụng, tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước; khuyến khích phát triển, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ quy mô nông hộ trên cơ sở tận dụng các nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, rác thải sinh hoạt. Phát triển, đa dạng các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao, phân bón hữu cơ chứa các loại vi sinh vật có ích mới, tiện ích cho người sử dụng, ổn định độ phì đất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ ưu đãi về đất đai, tín dụng, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước và quốc tế. Nếu được vậy mới hy vọng tạo ra bước đột phát về sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên mới./.

Th.s Nguyễn Duy Văn