Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản là cơ sở quan trọng cho xuất khẩu


Thứ Ba 07/06/2022 10:31
447

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Trong những năm vừa qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường. Mặc dù vậy, còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực. Tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống Covid19 của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu. Bình Thuận là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn, đặc sản, đa chủng loại có chất lượng và lợi thế xuất khẩu cao như thanh long, nhãn, nho, táo, xoài, sầu riêng... trong đó thanh long là mặt hàng chủ lực chiếm trên 90% tổng sản lượng trái cây toàn tỉnh và diện tích lớn nhất nước, chiếm trên 60% tổng diện tích toàn quốc... Năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là 43.715 ha, sản lượng 768.507 tấn. Đây là nguồn lực to lớn, nếu quan tâm đầu tư đúng mức, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp đem về nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương và góp phần làm giàu mạnh tỉnh nhà. Để công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận là cơ quan chủ trì được Sở Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện nhiệm vụ này. Yêu cầu đơn vị phải bố trí nhân lực có chuyên môn, năng lực thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) xây dựng; Tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chú trọng công tác tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; Ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành Y tế địa phương. Có như vậy công tác thiết lập, cấp mã số vùng trồng mới đạt kết quả tốt trong thời gian tới./.

Th.s Nguyễn Duy Văn