Quy định mới với dược liệu việt nam xuất khẩu sang Trung Quốc


Thứ Sáu 10/02/2023 08:09
506

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có thông báo về việc rà soát lại Hệ thống giám sát đối với các loại dược liệu xuất khẩu và thực hiện việc đăng ký cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Theo đó, để tăng cường việc giám sát, quản lý, kiểm dịch dược liệu xuất nhập khẩu và đảm bảo an toàn kiểm dịch dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc. Căn cứ quy định về “biện pháp giám sát, quản lý và kiểm dịch dược liệu xuất nhập khẩu”, Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát lại Hệ thống giám sát đối với các loại dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và thực hiện việc đăng ký cho các đơn vị sản xuất, chế biến và lưu trữ dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc, cụ thể như sau:

1. Về việc rà soát Hệ thống giám sát đối với các loại dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ  tiến hành kiểm tra bằng văn bản. Nội dung kiểm tra chủ  yếu bao gồm hệ thống quy định pháp luật và tiêu chuẩn, hệ thống đăng ký và giám sát doanh nghiệp, hệ thống kiểm tra và kiểm dịch trong phòng thí nghiệm, hệ thống chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của Việt Nam, v.v.

2. Về thủ tục đăng ký của doanh nghiệp, Trung Quốc sẽ thực hiện quản lý việc đăng ký của các doanh nghiệp sản xuất dược liệu ở nước ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, danh sách phải được cơ quan có thẩm quyền chính thức của Việt Nam đề xuất với Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phía Trung Quốc sẽ xử lý việc đăng ký theo quy định. với các quy định có liên quan. Thông tin doanh nghiệp đã đăng ký có trên trang web của Cục Kiểm dịch Động vật và Thực vật của Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân  Trung Hoa (http://dzs.customs.gov.cn/).

3.Hệ thống quy định chính thức của Việt Nam và các tài liệu đề xuất để đăng ký doanh nghiệp cần gửi tới Cục Kiểm dịch Động Thực vật của Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dược liệu của tỉnh sang thị trường này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát lại các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Tuyên truyền cho các tổ chức, các nhân có nhu cầu xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc các quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sơ đóng gói dược liệu trên địa bàn tỉnh, tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ là đơn vị nhận hồ sơ đăng ký của các vùng trồng và cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc trước ngày 01/4/2023, đồng thời thực hiện kiểm tra đánh giá hồ sơ của các vùng trồng, cơ sở đóng gói và chuyển về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 15/4/2023 để tổng hợp gửi lại cho GACC.

Theo đó, các tổ chức/cá nhân có nhu cầu xuất khẩu dược liệu sang Trung Quôc cần Hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sơ đóng gói theo hướng dẫn tại văn bản số 3947/BVTV-HTQT ngày 19/12/2022; Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng (TCCS 774:2020/BVTV); Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói (TCCS 775:2020/BVTV). Đồng thời thực hiện đúng theo yêu cầu của Trung Quốc theo nội dung tại Công văn 231/BVTV- HTQT ngày 19/01/2023 của Cục Bảo vệ thực vật và gửi hồ sơ về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trước ngày 01/4/2023 để thực hiện các thủ tục đăng ký.

Dưới đây là danh sách dược liệu cần đăng ký khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Danh mục dược liệu xuất khẩu phải đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

1

Đại hồi

2

Tiêu lốt

3

Cau

4

Đậu đỏ

5

Đinh hương

6

Bạch đậu khấu/thảo quả

7

Nhân quả óc chó - quả óc chó đã bóc vỏ khô

8

Mè Đen/Vừng

9

Hồ tiêu

10

Hoàng đằng

11

Kê huyết đằng

12

Gừng /Gừng khô

13

Củ nghệ

14

Kim tiền thảo

15

Ớt khô

16

Sen

17

Nấm linh chi

18

Nhãn/Long nhãn

19

Quế

20

Hoài sơn/khoai mài/ củ mài

21

Trầm hương tươi hoặc khô

22

Hạt đười ươi tươi hoặc khô

23

Phục linh tươi hoặc khô

24

Hòe hoa

25

Thạch hộc tươi hoặc khô

26

Hoàng liên

27

Hoa cúc tươi hoặc khô

28

Thanh hao tươi hoặc khô

29

Hạnh nhân đắng

30

Ý dĩ

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Nga