Trung Quốc kiểm soát chặt các đối tượng rệp gây hại trên thanh long


Thứ Tư 08/09/2021 08:17
2149

  Rệp sáp là đối tượng dịch hại phổ biến tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, đây là đối tượng gây hại trên rất nhiều loại cây trồng từ cây ăn quả (thanh long, mãng cầu, đu đủ,…) và cây công nghiệp (tiêu, cà phê,…). Tuy nhiên, Rệp lại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

   Năm 2019, Cục Bảo vệ thực vật đã có Công văn số 1664/BVTV – KD ngày 02 tháng 07 năm 2019 về việc tăng cường công tác kiểm dịch đối với quả tươi xuất khẩu. Theo đó 02 loài rệp Dysmicoccus neobrevipesPseudococcus jackbeardsleyi là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

          Năm 2021, Công văn số 1495/BVTV-KD ngày 13/8/2021 của Cục Bảo vệ thực vật về việc tăng cường quản lý vùng trồng đối với quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật thông báo thời gian vừa qua, cơ quan Kiểm dịch thực vật đã phát hiện nhiều lô quả tươi xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc do bị nhiễm các loài sinh vật gây hại. Trong số các lô hàng vi phạm, tỉnh Bình Thuận có 01 mã vùng trồng (VN-BTHOR-0055) và 01 mã cơ sở đóng gói (VN-BTHPH-157) vi phạm quy định trên, do phát hiện 03 loài rệp sáp trên lô hàng thanh long xuất khẩu, đây là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, gồm các loài: Phenacoccuss solenopsis, Planococcus minor, Dysmicoccus neobrevipes.

          Như vậy năm 2021, Trung Quốc lại thêm 2 loài rệp nữa vào đối tượng kiểm dịch thực vật của nước này.

          Trước tình hình trên, để chủ động phòng trừ, ngăn ngừa, tránh ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản nói chung và quả tươi chủ yếu là thanh long nói riêng sang Trung Quốc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận đã có công văn 543/TTBVTV-TT ngày 01 tháng 9 năm 2021 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện một số nội dung sau:

+ Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc tại địa phương, chú ý đến các loài rệp gây hại trước khi xuất khẩu, cần có biện pháp xử lý để tránh những rủi ro, thiệt hại nếu bị phát hiện các loài rệp gây hại trong lô hàng.

+ Đối với các cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long khi phát hiện các loài rệp cần loại bỏ bằng cách rửa sạch hoặc thổi hơi; đối với nông dân sản xuất cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý, phòng trừ các loài rệp trên các vườn thanh long.

   

+ Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, dự tính, dự báo, quản lý chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc; cần đặc biệt chú ý đối với các vườn thanh long và các loài rệp gây hại.

Trường hợp phát hiện vườn thanh long bị nhiễm các loài rệp, phải tiến hành các biện pháp loại bỏ, xử lý triệt để các loài rệp trên quả trước khi xuất khẩu, bao gồm các biện pháp sau:

1.     Biện pháp canh tác:

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc thanh long, cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế nơi sinh sống của rệp sáp.

- Tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Trong quá trình tưới thanh long, nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp.

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rệp gây hại nhất là trong mùa khô. Chú ý vào những bộ phận (chồi non, hoa, quả) mà rệp hay xuất hiện và gây hại.

- Tỉa bỏ và tiêu huỷ những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng.

2. Biện pháp sinh học

- Bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên trong vườn của rệp như kiến vàng (Oecophylla smaragdina), bọ rùa, bọ mắt vàng, bọ cánh gân, bọ xít đỏ, ong ký sinh. Trong đó, kiến vàng (Oecophylla smaragdina) là loài thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng, trưởng thành rệp và có thể xua đuổi, ngăn cản rệp trưởng thành gây hại và đẻ trứng.

- Sử dụng các chế phẩm nấm ký sinh Mertahizum anisopliae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp. phun trừ rệp, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.

3. Biện pháp hóa học

- Phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, trái non, trái đang phát triển. Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hàng năm để phòng trừ rệp khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng. Phải theo nguyên tắc “4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly: Spirotetramat (Movento 150OD), Abamectin (Queson 3.6EC, 5.0EC), Azadirachtin (Agiaza 0.03 EC, 4.5EC), Buprofezin (Applaud 25SC, Butal 25WP, Difluent 25WP, Hello 700WG, Map-Judo 25 WP)…Rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài, vì thế cần pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để tăng khả năng bám dính.

 

                                                                                Ths. Mai Thị Thúy Kiều