Hướng dẫn về kiểm dịch thực vật đối với ớt tươi xuất khẩu sang thị trường trung quốc


Thứ Ba 29/03/2022 07:53
611

Hiện nay, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu trở lại mặt hàng quả ớt tươi sang Trung Quốc. Đây là một trong những cơ hội cho ngành ớt của Việt Nam nói chung cũng như Bình Thuận nói riêng.

Tuy nhiên, chỉ những đơn vị xuất khẩu ớt đã được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận mới được phép xuất khẩu ớt sang nước bạn. Hiện nay, mới chỉ có 5 công ty xuất khẩu ớt tươi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, đối với các vùng trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói ớt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cần tuân thủ các điều kiện sau:

Đối với vùng trồng ớt, cần tuân thủ các yêu cầu tại Tiêu chuẩn cơ sở TCCS: 774/2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng. Trong đó, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất, thực hiện việc điều tra và quản lý đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm như: Rầy phấn trắng (Aleurodicus dispersus), Ruồi đục quả (Bactrocera caudata), Ruồi đục quả (Bactrocera correcta); Ruồi đục quả (Bactrocera latifrons); Rệp sáp giả (Phenacoccus solenopsis).

 

Vùng trồng ớt tại tỉnh Bình Thuận

Đối với các cơ sở đóng gói, cần tuân thủ yêu cầu tại Tiêu chuẩn cơ sở TCCS: 775/2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói. Trong quá trình sơ chế, đóng gói phải có biện pháp bảo đảm loại bỏ các
loại sinh vật gây hại mà phía Trung Quôc quan tâm như trên, đồng thời cũng như loại bỏ đất, xác động vật, chất thải động vật, lông gia cầm, hạt cỏ dại, tàn dư thực vật.

 

Cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu tại Bình Thuận

Ngoài ra, các doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất ớt cần tuân thủ các yêu cầu của phía yêu cầu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, cụ thể đối với Thông tin doanh nghiệp: Phải được đăng ký với của Cục Bảo vệ Thực vật và sẵn sàng cung cấp thông tin trong 3 năm gần nhất (đối với doanh nghiệp dưới 3 năm thành lập, chuẩn bị thông tin kể từ khi thành lập doanh nghiệp). Thông tin sản xuất gồm nhà máy đóng gói, phương pháp chế biến, năng lực sản xuất, sản lượng thực tế hàng năm, sản lượng xuất khẩu. Doanh nghiệp phả đảm bảo tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng gồm việc thiết lập và vận hành hiệu quả các quy trình như quy trình kiểm dịch, quy trình ngăn chặn và kiểm soát, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý nhân sự, sử dụng hóa chất, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quản lý nhà xưởng, thu hồi sản phẩm không đạt chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Đối với các lô hàng ớt xuất khẩu phải thực hiện việc xử lý kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của phía Trung Quốc, bao gồm cả 2 biện pháp xử lý bằng Methyl Bromide và xử lý lạnh, cụ thể như sau:

Xử lý Methyl Bromide với liều lượng 32g/m3 trong 2 giờ hoặc 18g/m3 trong 5 giờ.

Xử lý lạnh sau khi xử lý Methyl Bromide ở nhiệt độ 0.56-2.77°C trong 4 ngày hoặc nhiệt độ 3.33-8.33°C trong 11 ngày.

Việc xử lý kiểm dịch thực vật phải được thực hiện bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ đủ điều kiện hành nghề xử lý kiểm dịch thực vật bằng biện pháp xông hơi khử trùng và bảo đảm lưu hồ sơ các lần xử lý, gồm biên bản xử lý (tham khảo mẫu tại phụ 4) và giấy chứng nhận xử lý kiểm dịch thực vật (bao gồm cả xử lý Methyl Bromide và xử lý lạnh).

Các đơn vị xuất khẩu và thực hiện xử lý kiểm dịch thực vật phải bảo đảm việc lưu hồ sơ ít nhất 2 năm và báo cáo định kỳ 6 tháng/lần hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật.

Như vậy, phía Trung Quốc đã có hướng dẫn để công nhận thêm các cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu. Do đó, đối với các vùng trồng và cơ sở chế biến, đóng gói trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhu cầu xuất khẩu ớt sang thị trường Trung Quốc đề nghị liên hệ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (9B Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) để được hướng dẫn thực hiện.