Thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc


Thứ Năm 02/02/2023 08:01
713

Nhằm xuất khẩu an toàn quả sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, ngày 11/7/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký kết Nghị định thư về sầu riêng cho hai nước. Từ đây, sầu riêng của Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với MARD và được cả MARD và GACC phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Sầu riêng đã trở thành cây ăn trái có tiềm năng phát triển, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân. Trong bối cảnh, thị trường tiêu thụ chính ngạch được mở rộng, tỉnh ta đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng. Diện tích sầu riêng triên địa bàn tỉnh khoảng  2.322,65 ha (năm 2022) phân bố tại một số Vùng sản trọng điểm là Đức Linh (1.179 ha); Hàm Thuận Bắc (933.85 ha), Tánh Linh (191 ha). Năm 2021, Bình Thuận đã được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc câp 02 mã vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 83,5 ha. Đến tháng 12/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tiếp tục thực hiện kiểm tra trực tuyến đối với 08 cơ sở vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Bình Thuận (06 mã số cơ sở đóng gói, 02 mã số vùng trồng).  Theo quy định tại Nghị định thư “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”, các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện theo yêu cầu của nước bạn. 

Đối với vùng trồng sầu riêng: Tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

Theo Tiêu chuẩn quốc tế số 6 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 6), MARD phải thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật tại vườn trồng mà Trung Quốc quan tâm trong suốt cả năm.

Để theo dõi và thu bắt sinh vật gây hại, ngoài biện pháp kiểm tra bằng mắt thường, sẽ áp dụng một số biện pháp hóa – lý tại vùng trồng như: sử dụng bẫy pheromone hoặc bẫy dính màu vàng để giám sát ruồi đục quả; kiểm tra sự xuất hiện của các loài rệp sáp trên quả, cành, thân và lá.

Bẫy ruồi đục trái tại các vùng trồng sầu riêng

Trong trường hợp phát hiện thấy các loài đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc triệu chứng các loài đó, cần áp dụng ngay các biện pháp phòng trừ, bao gồm biện pháp hóa học và sinh học để kiểm soát quần thể dịch hại hoặc duy trì vùng trồng dịch hại ít phổ biến.

Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác.

Đối với cơ sở đóng gói sầu riêng: Cơ sở đóng gói có đất nền cứng, sạch, hợp vệ sinh, có khu chứa nguyên liệu và kho thành phẩm. Các khu chế biến, xử lý, bảo quản và khu chức năng phải riêng biệt, được bố trí hợp lý và tách biệt với khu vực sinh hoạt.

Trong quá trình đóng gói, phải lựa chọn, phân loại và làm sạch vỏ quả để loại bỏ quả bị bệnh, thối hỏng hoặc biến dạng, lá, thân, tàn dư thực vật và đất. Chải hoặc làm sạch bề mặt quả bằng súng áp suất cao hoặc biện pháp hiệu quả khác để loại bỏ trứng, bào tử nấm. Nếu cần thiết, có thể lau bề mặt quả bằng vải bông mềm và sạch, đặc biệt là phần cuống quả và các bộ phận khác.

Vật liệu đóng gói sầu riêng phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe cây trồng của Trung Quốc. Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc tế số 15 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 15).

Các khâu làm sạch sầu riêng trong quá trình đóng gói

Ngay sau khi đóng gói, sầu riêng phải được bảo quản trong kho chứa, có cùng điều kiện kiểm dịch thực vật, tách biệt với những loại quả khác để ngăn ngừa lây nhiễm dịch hại. Trên mỗi hộp phải dán nhãn bằng tiếng Anh, gồm tên quả cây, nước xuất khẩu, nơi sản xuất, tên hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói… Đồng thời trên mỗi hộp và palet phải ghi dòng chữ “Exported to the People’s Republic of China”.

Trước khi xếp hàng, phải kiểm tra độ sạch của công-ten-nơ chứa sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Công-ten-nơ phải được niêm phong hải quan và đảm bảo niêm phong còn nguyên vẹn khi đến cảng nhập khẩu của Trung Quốc.

Đóng gói  và xuất  sầu riêng

Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số công-ten-nơ và các thông tin khác.

Như vậy, để xuất khẩu được sầu riêng sang Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác thì vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe.Việc xây dựng các vùng trồng quy mô lớn và cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu là một hướng phát triển bền vững cho cây sầu riêng của tỉnh. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nông dân bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…. Đây cũng là xu hướng phát triển cho ngành hàng sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung, với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị, an toàn, bền vững, hiệu quả cả về kinh tế-xã hội và môi trường.

                                                          Nguyễn Thị Thanh Nga